Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm có thể gây tử vong hoặc tàn phế vĩnh viễn. Tìm hiểu cách ăn uống lành mạnh và lối sống khoa học sẽ giúp phòng tránh đột quỵ từ sớm.
Đột quỵ là gì?
Đột quỵ là tình trạng xảy ra khi dòng máu cung cấp cho một phần của não bị gián đoạn hoặc giảm nghiêm trọng, khiến mô não không nhận đủ oxy và dưỡng chất cần thiết. Chỉ trong vài phút, các tế bào não bắt đầu bị tổn thương và chết đi.
Đột quỵ có thể phân ra thành 2 dạng chính là tắc nghẽn mạch máu (đột quỵ thiếu máu cục bộ) hoặc do vỡ mạch máu trong não (đột quỵ xuất huyết). Cả hai dạng này đều có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến não bộ, dẫn đến suy giảm chức năng thần kinh, tàn tật vĩnh viễn hoặc tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.
4 dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ
Nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ là yếu tố then chốt giúp tăng cơ hội cứu sống và hạn chế di chứng lâu dài. Dưới đây là bốn dấu hiệu cảnh báo đột quỵ thường gặp cần đặc biệt lưu ý:
Thứ nhất: Rối loạn ngôn ngữ và khả năng tiếp nhận thông tin
Người bị đột quỵ có thể gặp khó khăn trong việc diễn đạt lời nói (chứng mất ngôn ngữ biểu đạt) hoặc không hiểu người khác đang nói gì (chứng mất ngôn ngữ tiếp nhận). Biểu hiện có thể bao gồm nói lắp, nói những từ không có nghĩa hoặc không phản ứng phù hợp với cuộc trò chuyện.
Thứ 2: Tê, yếu hoặc liệt ở mặt, tay hoặc chân
Tình trạng giảm sức cơ đột ngột ở mặt, tay hoặc chân và thường chỉ ảnh hưởng một bên cơ thể. Một bên miệng có thể bị lệch khi cười, hoặc khi yêu cầu người bệnh giơ cả hai tay, một tay có thể không giữ được và rơi xuống.

Thứ 3: Rối loạn thị giác cấp tính
Người bệnh có thể xuất hiện hiện tượng nhìn mờ, mất thị lực một phần hoặc toàn phần ở một hoặc cả hai mắt. Ngoài ra, có thể gặp hiện tượng nhìn đôi, gây cản trở nghiêm trọng đến khả năng định hướng và di chuyển dễ bị vấp ngã.
Thứ 4: Đau đầu dữ dội khởi phát đột ngột
Một cơn đau đầu cấp, dữ dội không rõ nguyên nhân, đặc biệt khi kèm theo buồn nôn, nôn, chóng mặt hoặc thay đổi ý thức.
Khi xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi cấp cứu ngay lập tức để được can thiệp kịp thời. Việc trì hoãn có thể làm giảm hiệu quả điều trị và để lại hậu quả nghiêm trọng.
Cách phòng chống bệnh đột quỵ tại nhà từ sớm
Tại Hoa Kỳ, phân tích từ Nghiên cứu Sức khỏe Y tá cho thấy hơn 50% các ca đột quỵ có liên quan đến thói quen sinh hoạt không lành mạnh. Đáng chú ý, nghiên cứu cho thấy những người tuân thủ đồng thời 5 hành vi tích cực: không hút thuốc, uống rượu ở mức độ vừa phải, duy trì chỉ số BMI dưới 25, tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày và áp dụng chế độ ăn uống đã giảm 80% nguy cơ đột quỵ so với nhóm không áp dụng hành vi nào.
Tương tự, một nghiên cứu tại Thụy Điển cho thấy ở phụ nữ, việc thực hiện đủ cả năm yếu tố trên giúp giảm nguy cơ đột quỵ tới 60%, còn ở nam giới mắc bệnh nền như tăng huyết áp hoặc rối loạn mỡ máu, tỷ lệ giảm biến cố tim mạch vượt quá 80%.
Kiểm soát huyết áp
- Huyết áp cao là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ. Nếu không được kiểm soát, huyết áp cao có thể làm tăng gấp 2 – 4 lần nguy cơ đột quỵ.
Duy trì cân nặng hợp lý
- Thừa cân và béo phì làm tăng nguy cơ đột quỵ do ảnh hưởng đến huyết áp, đường huyết và mỡ máu.
Tăng cường hoạt động thể chất
- Hoạt động thể chất không chỉ giúp kiểm soát cân nặng mà còn cải thiện lưu thông máu, giảm huyết áp và ngăn hình thành cục máu đông. Nên tập thể dục ít nhất 150 phút/tuần (tức 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần).
Chế độ ăn uống hợp lý
- Hạn chế uống rượu, nước ngọt và hút thuốc lá giúp giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, ổn định huyết áp.
- Bên cạnh đó, hạn chế muối và đường, tăng cường rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, cá béo và các loại hạt sẽ hỗ trợ kiểm soát cholesterol, cải thiện tuần hoàn máu và phòng chống đột quỵ
Kiểm soát các bệnh lý nền
- Rung nhĩ và tiểu đường đều làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Nên đi khám nếu có triệu chứng như tim đập nhanh, mệt mỏi, khó thở. Đồng thời sử dụng thuốc chống đông (nếu bị rung nhĩ) hoặc thuốc tiểu đường theo chỉ định của bác sĩ.
Những thực phẩm “vàng” nên sử dụng
Cá béo
- Cá béo như cá hồi, cá thu chứa nhiều axit béo omega-3 (EPA và DHA), là những chất béo thiết yếu giúp giảm viêm, hỗ trợ chức năng tế bào và duy trì sự linh hoạt của màng tế bào.
Rau lá xanh:
- Rau bina, cải xoăn và các loại rau lá xanh khác giàu vitamin K giúp hỗ trợ quá trình đông máu bình thường, cùng với kali và folate giúp điều hòa huyết áp và tăng cường chức năng mạch máu.
Súp lơ xanh:
- Súp lơ xanh và các loại rau họ cải chứa sulforaphane, một hợp chất có khả năng chống viêm và chống oxy hóa, đồng thời cung cấp vitamin C và vitamin K giúp duy trì sức khỏe mạch máu.
Cà chua:
- Cà chua giàu lycopene – một chất chống oxy hóa mạnh, cùng beta-carotene, vitamin C và kali, giúp chống viêm và bảo vệ tế bào mạch máu.
Quả mọng:
- Quả việt quất, dâu tây chứa nhiều anthocyanin và flavonoid, là những chất chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do gốc tự do và hỗ trợ sức khỏe mạch máu.
- Trái cây họ cam quýt: Cam, bưởi, chanh chứa nhiều vitamin C và flavonoid, giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ sản xuất collagen và duy trì độ đàn hồi của thành mạch máu.
Quả bơ:
- Quả bơ giàu axit béo không bão hòa đơn giúp duy trì mức cholesterol cân bằng, cùng với kali và vitamin E góp phần bảo vệ tế bào khỏi stress oxy hóa.
Các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt
- Hạnh nhân, óc chó, hạt lanh và hạt chia cung cấp axit béo omega-3, chất xơ, vitamin E và khoáng chất như magiê, có vai trò quan trọng trong việc duy trì chức năng thần kinh và hỗ trợ quá trình chuyển hóa.
- Ngũ cốc nguyên hạt: Như gạo lứt, yến mạch là nguồn cung cấp chất xơ hòa tan và không hòa tan, giúp kiểm soát cholesterol máu, đồng thời cung cấp các vitamin nhóm B và khoáng chất thiết yếu như sắt và mangan.

Uống gì để phòng chống đột quỵ?
Nước lọc:
Uống đủ nước lọc mỗi ngày (khoảng 1.5 – 2 lít) giúp duy trì cân bằng nước trong cơ thể, hỗ trợ chức năng của các cơ quan và điều hòa huyết áp. Uống đủ nước mỗi ngày giúp tăng cường tuần hoàn máu, cải thiện sự trao đổi chất và giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh.
Đây là lựa chọn đơn giản nhưng vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe tim mạch và toàn thân.
Trà xanh:
Trà xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa như catechin và epigallocatechin gallate (EGCG). Những chất này giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do oxy hóa, cải thiện sức khỏe mạch máu và hỗ trợ chức năng tim mạch.
Thay thế các đồ uống có đường bằng trà xanh là lựa chọn thông minh để phòng chống đột quỵ.
Nước ép trái cây tự nhiên:
Nước cam, bưởi chứa nhiều vitamin C và flavonoid, giúp tăng cường hệ miễn dịch và duy trì độ đàn hồi của mạch máu, hỗ trợ tuần hoàn máu khỏe mạnh.
Phòng chống đột quỵ hiệu quả cần kết hợp lối sống lành mạnh với chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, uống đủ nước, tập thể dục đều đặn và kiểm soát tốt các bệnh nền. Hy vọng bài viết trên sẽ cung cấp những kiến thức hữu ích với bạn đọc để chăm sóc sức khoẻ bản thân.