Bệnh xơ gan sống được bao lâu? Dấu hiệu cảnh báo sớm bạn nên biết

Dấu hiệu cảnh báo xơ gan

Bệnh xơ gan là “kẻ thù vô hình” đang âm thầm tàn phá gan bạn từng ngày mà nhiều người không hay biết. Hãy cùng tìm hiểu những dấu hiệu cảnh báo sớm và cách phòng ngừa hiệu quả để bảo vệ sức khỏe gan ngay từ hôm nay nhé!

Tổng quan về xơ gan

Gan là cơ quan thiết yếu đảm nhận nhiều chức năng sống còn, bao gồm chuyển hóa chất dinh dưỡng, dự trữ và điều hòa đường huyết, xử lý chất béo, protein, thải độc, và hỗ trợ miễn dịch. Ngoài ra, gan còn tổng hợp các protein máu và loại bỏ chất thải thông qua chu trình urê, giúp duy trì cân bằng và hoạt động ổn định cho toàn cơ thể.

Xơ gan là tình trạng gan bị tổn thương lâu dài do viêm và hình thành mô sẹo (xơ hóa). Khi gan bị tổn thương liên tục, các mô sẹo sẽ thay thế mô gan khỏe mạnh, khiến gan hình thành các nốt tái tạo bị bao quanh bởi sợi xơ. Điều này làm cản trở chức năng bình thường của gan, gây tăng áp lực tĩnh mạch cửa và dẫn đến suy gan giai đoạn cuối.

Các giai đoạn tiến triển

Xơ gan còn bù: Ở giai đoạn này, người bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng hoặc có thể chưa quan sát thấy các dấu hiệu bệnh. Mặc dù gan có thể đã bị tổn thương và sẹo nhưng chưa đủ nghiêm trọng để gây ra các biểu hiện lâm sàng.

Xơ gan mất bù: Giai đoạn này xuất hiện khi bệnh nhân có ít nhất một biến chứng như chảy máu, cổ trướng, vàng da hoặc bệnh não gan. Bệnh tiến triển nặng hơn và ảnh hưởng rõ rệt đến chức năng gan.

Giai đoạn của xơ gan
Giai đoạn của xơ gan

Dấu hiệu cảnh báo sớm

Những dấu hiệu ban đầu của bệnh xơ gan

Các dấu hiệu sớm của xơ gan thường không rõ ràng nhưng có thể bao gồm:

  • Cảm giác buồn nôn hoặc mất cảm giác ngon miệng.
  • Cơ thể yếu đi, mệt mỏi kéo dài.
  • Cảm thấy không thoải mái hoặc khó chịu chung.
  • Đau hoặc khó chịu vùng bụng phía trên bên phải.
  • Xuất hiện các mạch máu nhỏ dạng mạng nhện trên da (gọi là u mạch nhện).
  • Da lòng bàn tay có màu đỏ bất thường (ban đỏ lòng bàn tay).

Triệu chứng khi bệnh xơ gan tiến triển

Khi bệnh xơ gan trở nặng, các biểu hiện có thể chia thành hai nhóm chính: triệu chứng do chức năng gan suy giảm và triệu chứng do tăng áp lực ở tĩnh mạch cửa.

Triệu chứng suy giảm chức năng gan:

  • Da và mắt chuyển sang màu vàng (vàng da).
  • Ngứa da mà không có phát ban rõ ràng.
  • Nước tiểu có màu đậm, phân có màu nhạt.
  • Khó tiêu, đặc biệt khi ăn thức ăn nhiều dầu mỡ.
  • Xuất hiện các cục mỡ nhỏ màu vàng trên da hoặc mí mắt.
  • Giảm cân không rõ lý do, mất cơ bắp.
  • Rối loạn thần kinh như lú lẫn, mất phương hướng, thay đổi tính cách.
  • Các triệu chứng vận động như co giật, run rẩy hoặc mất kiểm soát cơ.
  • Chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn.
  • Nam giới có hiện tượng to mô vú và teo tinh hoàn.

Triệu chứng do tăng áp lực tĩnh mạch cửa:

  • Bụng to do tích tụ dịch (cổ trướng).
  • Phù nề ở tay, chân hoặc mặt.
  • Dễ bị chảy máu hoặc bầm tím do rối loạn đông máu.
  • Có máu trong nôn hoặc phân.
  • Giảm lượng nước tiểu do suy thận kéo dài.
  • Khó thở do suy hô hấp mãn tính.

Xét nghiệm cận lâm sàng

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu giúp đánh giá chức năng gan, phát hiện tổn thương gan và xác định nguyên nhân gây xơ gan. Các xét nghiệm thường được thực hiện bao gồm:

  • Men gan (ALT, AST, phosphatase kiềm): Mức độ enzyme gan tăng cao có thể chỉ dấu tổn thương tế bào gan.
  • Bilirubin: Mức bilirubin tăng phản ánh sự suy giảm khả năng xử lý sắc tố mật của gan.
  • Albumin và globulin: Mức albumin giảm và globulin (immunoglobulin) tăng có thể cho thấy rối loạn chức năng tổng hợp protein của gan.
  • Công thức máu toàn phần: Giúp phát hiện thiếu máu, giảm tiểu cầu hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng, thường liên quan đến xơ gan.
  • Xét nghiệm virus viêm gan B, viêm gan C: Để xác định nguyên nhân viêm gan mãn tính dẫn đến xơ gan.
  • Xét nghiệm tự miễn (ANA, SMA, AMA): Đánh giá các bệnh gan tự miễn có thể gây xơ gan.

Xét nghiệm hình ảnh

Các phương pháp hình ảnh giúp đánh giá cấu trúc gan, phát hiện tổn thương và đo độ cứng gan – chỉ dấu gián tiếp của xơ hóa gan:

  • Siêu âm gan: Dùng sóng âm để tạo hình ảnh gan, đánh giá kích thước, cấu trúc và sự hiện diện của các tổn thương.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Tạo hình ảnh chi tiết gan và mô mềm xung quanh mà không dùng tia X.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Kết hợp tia X và xử lý máy tính để cung cấp hình ảnh cắt lớp gan.
  • Đo độ cứng gan (Elastography): Đánh giá độ cứng mô gan, giúp phát hiện mức độ xơ hóa và theo dõi tiến triển bệnh. Các kỹ thuật elastography phổ biến gồm elastography siêu âm và đàn hồi cộng hưởng từ (MRE).

Sinh thiết gan

Khi các xét nghiệm không xâm lấn không đủ kết luận, sinh thiết gan được thực hiện để xác định chính xác mức độ xơ hóa và nguyên nhân bệnh.

  • Bác sĩ sẽ dùng kim sinh thiết để lấy mẫu mô gan nhỏ.
  • Mẫu mô được quan sát dưới kính hiển vi bởi nhà giải phẫu bệnh nhằm đánh giá tổn thương và mức độ sẹo gan.
  • Sinh thiết cũng giúp phân biệt các nguyên nhân xơ gan và hướng dẫn điều trị thích hợp.

Các yếu tố nguy cơ

Lạm dụng rượu: Rượu là nguyên nhân phổ biến gây tổn thương gan. Người có vấn đề với rượu cần tìm sự hỗ trợ để ngăn ngừa xơ gan.

MASLD (Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu): Liên quan đến tiểu đường type 2, hội chứng chuyển hóa và béo phì. Giảm cân và kiểm soát đường huyết giúp cải thiện tình trạng gan.

Viêm gan B và viêm gan C: Việc điều trị kịp thời có thể ngăn ngừa tổn thương gan tiến triển.

Các bệnh khác có thể dẫn đến xơ gan: Bệnh xơ nang, tích tụ quá nhiều sắt (Hemochromatosis), bệnh Wilson, tắc nghẽn ống mật…

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến xơ gan phổ biến
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến xơ gan phổ biến

Bệnh xơ gan sống được bao lâu?

Xơ gan là bệnh mạn tính nghiêm trọng và là gánh nặng lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Với tỷ lệ mắc xơ gan chuẩn hóa theo tuổi (ASR) đạt 25,3 ca trên 100.000 dân vào năm 2019. Theo thống kê xơ gan ảnh hưởng đến khoảng 2–8 triệu người trưởng thành tại Hoa Kỳ. Từ năm 2010-2021, tỷ lệ tử vong hàng năm theo độ tuổi do xơ gan ở Hoa Kỳ tăng từ 14,9 lên 21,9 trên 100.000 người.

Tuổi thọ của người mắc xơ gan phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn bệnh:

  • Giai đoạn còn bù: Đây là giai đoạn sớm, khi gan chưa mất chức năng rõ rệt và thường không có triệu chứng. Thời gian sống trung bình khoảng 12 năm. Tuy nhiên, có khoảng 5–7% bệnh nhân chuyển sang giai đoạn mất bù trong vòng 1 năm nếu không được điều trị tích cực, khiến tuổi thọ giảm xuống trung bình 1,8 năm.
  • Giai đoạn mất bù: Xuất hiện ít nhất một biến chứng như cổ trướng, chảy máu tiêu hóa do giãn tĩnh mạch, vàng da, hoặc bệnh não gan (HE). Thời gian sống trung bình 2–4 năm. Khoảng 1% đến 4% bệnh nhân bị xơ gan phát triển thành ung thư biểu mô tế bào gan mỗi năm, dẫn đến tỷ lệ sống sót sau 5 năm khoảng 20%.
Thực hiện lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống hợp lý để bảo vệ sức khoẻ gan
Thực hiện lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống hợp lý để bảo vệ sức khoẻ gan

Cách phòng ngừa

Phòng ngừa xơ gan thường tập trung vào kiểm soát các yếu tố nguy cơ chính như sau:

  • Tránh uống rượu vì đây là một trong những nguyên nhân chính gây tổn thương gan.
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh với trái câu, rau củ… Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn chiên rán và đồ ngọt để giảm áp lực lên gan.
  • Giữ cân nặng hợp lý giúp giảm nguy cơ tích tụ mỡ trong gan và tổn thương gan.
  • Tránh dùng chung kim tiêm và thực hiện quan hệ tình dục an toàn để giảm nguy cơ nhiễm viêm gan B, C. Nên tiêm phòng vắc-xin viêm gan B theo khuyến cáo.

Trên đây là những thông tin cơ bản về xơ gan. Hi vọng bài viết có thể cung cấp cho bạn những kiến thức hữu ích để chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


0988 796 316