Sốt ở trẻ em luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ và là một trong những lý do chính khiến cha mẹ đưa trẻ đến phòng khám, bệnh viện, đặc biệt là Khoa Cấp cứu. Theo nghiên cứu tại Ấn Độ năm 2018, có đến 49% cha mẹ đưa trẻ bị sốt đến bệnh viện và tỷ lệ này tăng lên đáng kể sau đại dịch COVID–19.
Vậy thế nào là sốt và cha mẹ cần lưu ý những gì khi dùng thuốc giảm đau hạ sốt cho trẻ để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc, cùng Dược sĩ Lưu Anh tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Sốt là gì?
Sốt là phản ứng sinh lý bình thường đối với bệnh tật, giúp trẻ phục hồi nhanh hơn. Sốt ở trẻ em thường khiến cha mẹ sử dụng (hoặc lạm dụng) thuốc hạ sốt vì lo sợ hậu quả của nó, đặc biệt là trường hợp co giật do sốt.
Sốt không phải là chẩn đoán mà là triệu chứng bệnh. Do đó, việc chẩn đoán bệnh tiềm ẩn ở trẻ là điều cần thiết để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Trẻ em có phải là người lớn thu nhỏ?
Theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ em được tính từ lúc mới sinh đến khi 18 tuổi, trong đó các nhóm tuổi cần có những lưu ý đặc biệt là: Sơ sinh (từ 0 đến 28 ngày tuổi), nhũ nhi (1-12 tháng tuổi) và trẻ em (1-12 tuổi). Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ vì có nhiều đặc điểm giải phẫu, sinh lý, tâm lý, bệnh lý… khác xa người lớn.
Trẻ em có kích thước gan lớn hơn nhiều so với trọng lượng cơ thể của chúng và so với người lớn. Do đó, trẻ em có tỷ lệ chuyển hóa cao hơn so với thanh thiếu niên và người lớn. Một ngoại lệ là trẻ sơ sinh vì khả năng sản xuất enzym vẫn chưa trưởng thành và chưa thể hoạt động hiệu quả.

Sử dụng thuốc giảm đau hạ sốt cho trẻ cần lưu ý những gì?
Lựa chọn thuốc nào là phù hợp để giảm đau và hạ sốt cho trẻ?
Thuốc kháng sinh không điều trị sốt. Thuốc kháng sinh chỉ nên được dùng khi có nghi ngờ hoặc có bằng chứng về bệnh do vi khuẩn.
Thuốc hạ sốt nên được sử dụng để giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn, thay vì sử dụng thường xuyên với mục đích duy nhất là hạ sốt.
Paracetamol là loại thuốc được sử dụng rộng rãi nhất trong nhi khoa để giảm đau hoặc hạ sốt. Thuốc được dùng cho tất cả các nhóm tuổi nhi khoa từ bệnh nhân sơ sinh non tháng đến thanh thiếu niên.
Ibuprofen và paracetamol an toàn và hiệu quả khi sử dụng trong thời gian ngắn ở trẻ em. Acid mefenamic được đăng ký sử dụng từ sáu tháng tuổi và có thể là thuốc chống viêm không steroid (NSAID) thay thế cho ibuprofen ở trẻ em bị sốt.
Thuốc dùng cho trẻ nên lựa chọn dạng bào chế gì?
Các dạng bào chế đường uống dành riêng cho trẻ em đang ngày càng được cải tiến. Bên cạnh siro, hỗn dịch, viên nén mini, viên nhai, viên nén phân tán trong miệng, màng phim tan trong miệng còn có bột hoặc cốm pha dung dịch hoặc hỗn dịch, viên sủi bọt, viên nén phân tán trong nước, bột hoặc viên nang chứa bột thuốc rắc vào thức ăn mềm và đồ uống.
Các biện pháp cải thiện mùi vị của thuốc như kỹ thuật tạo hệ tiểu phân nano che vị đắng, đồng kết tinh, bào chế bột thạch hoặc bột sữa, công nghệ in 3D để tạo kẹo dẻo chứa dược chất hoặc các dụng cụ phân liều cho thuốc uống lỏng vẫn đang được triển khai nghiên cứu mạnh mẽ.
Việt lựa chọn dạng bào chế và mùi vị phù hợp rất quan trọng, đặc biệt đối với trẻ nhỏ khó nuốt và nhạy cảm với vị đắng của thuốc.
Liều dùng của thuốc được hướng dẫn như thế nào?
Liều lượng thuốc hạ sốt ở trẻ em phải dựa chính xác vào cân nặng cơ thể và không được ước tính. Liều dùng của ibuprofen và paracetamol được thể hiện ở bảng sau.
Thuốc hạ sốt | Liều uống | Tần suất liều | Liều tối đa hàng ngày |
Ibuprofen | 10mg/kg trọng lượng cơ thể | Mỗi 6 giờ | 40mg/kg |
Paracetamol | 15mg/kg trọng lượng cơ thể (tối đa 1g) | Mỗi 4 giờ | 90mg/kg (tổng cộng 4g) |
Thuốc dùng cho trẻ nên lựa chọn dạng bào chế gì?
Các dạng bào chế đường uống dành riêng cho trẻ em đang ngày càng được cải tiến. Bên cạnh siro, hỗn dịch, viên nén mini, viên nhai, viên nén phân tán trong miệng, màng phim tan trong miệng còn có bột hoặc cốm pha dung dịch hoặc hỗn dịch, viên sủi bọt, viên nén phân tán trong nước, bột hoặc viên nang chứa bột thuốc rắc vào thức ăn mềm và đồ uống.
Các biện pháp cải thiện mùi vị của thuốc như kỹ thuật tạo hệ tiểu phân nano che vị đắng, đồng kết tinh, bào chế bột thạch hoặc bột sữa, công nghệ in 3D để tạo kẹo dẻo chứa dược chất hoặc các dụng cụ phân liều cho thuốc uống lỏng vẫn đang được triển khai nghiên cứu mạnh mẽ.
Việt lựa chọn dạng bào chế và mùi vị phù hợp rất quan trọng, đặc biệt đối với trẻ nhỏ khó nuốt và nhạy cảm với vị đắng của thuốc.
Ngộ độc thuốc ở trẻ và trách nhiệm, xử trí của cha mẹ

Mặc dù ibuprofen và paracetamol được sử dụng rộng rãi, may mắn là tỷ lệ ngộ độc nghiêm trọng ở trẻ em vẫn rất hiếm.
Báo cáo về các biến chứng sau khi dùng quá liều ibuprofen, đặc biệt là ở trẻ em, rất hiếm. Các trường hợp quá liều có triệu chứng ở trẻ em đã được báo cáo sau khi uống quá 440mg/kg nhưng nhìn chung nguy cơ biến chứng nghiêm trọng sau khi dùng quá liều ibuprofen là thấp.
Việc dẫn đến ngộ độc paracetamol ở trẻ em : cố ý dùng quá liều, vô tình tiếp xúc hoặc dùng sai cách. Paracetamol thường được cất giữ ở nhà và trẻ em có thể dễ dàng tìm thấy, gây nguy cơ ngộ độc không mong muốn ở trẻ em do vô tình uống phải.
Về lý thuyết, trẻ em có thể chuyển hóa paracetamol hiệu quả hơn người lớn nhờ kích thước gan lớn hơn của chúng so với trọng lượng cơ thể, có lượng glutathione dự trữ lớn hơn, do đó tỷ lệ ngộ độc nghiêm trọng thấp hơn so với người lớn.
Tuy nhiên việc sử dụng đúng liều lượng hướng dẫn và để thuốc xa tầm với của trẻ em là cực kỳ quan trọng để tránh nguy cơ tổn thương gan và tử vong. Trong trường hợp ngộ độc, cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để tiến hành điều trị kịp thời.
Một số cha mẹ vẫn còn thiếu kiến thức về chăm sóc trẻ sốt, đặc biệt trong việc sử dụng thuốc hạ sốt, dẫn đến các tình huống nguy hiểm như ngộ độc thuốc. Ở Việt Nam, chỉ tính riêng tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận 13 trường hợp trong giai đoạn 2014 – 2015. Cần tăng cường các chương trình giáo dục sức khỏe và hỗ trợ tâm lý để nâng cao kiến thức, giúp cha mẹ chăm sóc trẻ sốt tại nhà an toàn và hiệu quả.
Tài liệu tham khảo
- Dương Thị Hồng Ánh (2021), Thuốc uống dùng cho trẻ em, Tạp chí Y học Việt Nam, 500, tr.62-66.
- Lê Khánh Linh, Nguyễn Thị Sơn, Nguyễn Hữu Dự, Nguyễn Thị Hồng Nhung (2024), Kiến thức về chăm sóc sốt của cha mẹ có con dưới 5 tuổi tại khoa nhi Bệnh viện Đại học Y Hà Nội năm 2024, Tạp chí Nghiên cứu Y học, 183(10), tr.394-402.
- Robin J Green & Adéle Pentz (2014), Fever in children: how to minimise risk and provide appropriate therapy, South African Family Practice, 56(4), pp.212–215.
- Kanabar D.J. (2017), A clinical and safety review of paracetamol and ibuprofen in children, Inflammopharmacol 25, pp.1–9.
- Mund, M.E., Quarcoo, D., Gyo, C. et al. (2015), Paracetamol as a toxic substance for children: aspects of legislation in selected countries, J Occup Med Toxicol, 10, 43.