Táo bón ở trẻ em là vấn đề thường gặp nhưng không thể xem nhẹ vì ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sự phát triển của bé. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách khắc phục để giúp con bạn thoát khỏi tình trạng khó chịu này tại đây.
Táo bón ở trẻ em là gì?
Táo bón ở trẻ em là tình trạng trẻ gặp khó khăn khi đi vệ sinh, với phân khô cứng, khó ra ngoài hoặc ít khi đi ngoài, thường kèm theo cảm giác đau đớn. Đây là một trong những bệnh lý tiêu hóa phổ biến nhất ở trẻ em, ảnh hưởng đến khoảng 0,7% đến 29,6% trẻ em trên toàn cầu.
Phân loại
Táo bón ở trẻ em được chia thành hai loại chính:
- Táo bón thực thể (5%): Là táo bón liên quan đến các rối loạn cấu trúc, thần kinh, chuyển hóa hoặc rối loạn đường tiêu hóa, ví dụ như bệnh Hirschsprung, dị tật hậu môn – trực tràng,…
- Táo bón chức năng (95%): Là táo bón không do nguyên nhân thực thể, thường gặp và do các yếu tố như thói quen đi vệ sinh không đúng cách, căng thẳng tâm lý, hoặc chế độ ăn uống thiếu chất xơ.
Nguyên nhân gây táo bón
Yếu tố dinh dưỡng:
- Thiếu chất xơ trong chế độ ăn là yếu tố chính dẫn đến táo bón, vì chất xơ giúp thúc đẩy quá trình vận chuyển phân qua đại tràng. Trẻ bị táo bón thường ăn ít trái cây và thực phẩm có nguồn gốc thực vật.
- Dị ứng với protein sữa bò có thể là một yếu tố nguy cơ, khi loại bỏ sữa bò khỏi chế độ ăn, tình trạng táo bón ở trẻ có thể được cải thiện. Tuy nhiên, cần thêm nghiên cứu để xác nhận mối liên hệ này.
Yếu tố di truyền và môi trường:
- Trẻ có tiền sử gia đình bị táo bón hoặc sinh non có nguy cơ mắc táo bón cao hơn.
- Trẻ sống ở khu vực thành thị, nơi chế độ ăn uống ít chất xơ và lối sống ít vận động, cũng dễ bị táo bón.
- Căng thẳng tâm lý (do sự kiện trong gia đình hoặc trường học) có thể ảnh hưởng đến chức năng đại tràng qua trục não-ruột, làm giảm khả năng di chuyển phân.
Sinh lý bệnh:
- Táo bón chức năng là dạng phổ biến, chiếm trên 90% trường hợp. Khi trẻ bị đau khi đi ngoài, chúng có xu hướng nhịn đi ngoài, khiến phân trở nên cứng và khó ra ngoài, tạo thành vòng luẩn quẩn.
- Vận chuyển đại tràng chậm: Quá trình vận chuyển phân qua đại tràng bị chậm lại, dẫn đến phân tích tụ lâu, trở nên cứng và khó di chuyển.
- Các bệnh lý tiềm ẩn về đường ruột, chẳng hạn như thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh như chất P.
- Sử dụng các thuốc có tác dụng phụ là táo bón như thuốc kháng axit có chứa nhôm và Canxi, bổ sung sắt,…
Triệu chứng
Khi trẻ gặp khó khăn hoặc cảm thấy khó chịu trong quá trình đi vệ sinh, có thể là dấu hiệu của táo bón. Dưới đây là một số triệu chứng giúp nhận diện tình trạng này:
- Đi vệ sinh ít hơn 3 lần trong tuần.
- Phân to, cứng và khó đi ra ngoài.
- Phân có hình dạng giống “phân thỏ” hoặc những viên phân nhỏ.
- Phải rặn hoặc cảm thấy đau khi đi tiêu.
- Có thể bị chảy máu khi đi vệ sinh vì phân cứng.
- Chán ăn hoặc đau bụng nhưng lại thấy dễ chịu hơn sau khi đi ngoài.

Mẹo chữa trẻ bị táo bón
Điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt
Đảm bảo đủ nước:
Trẻ sơ sinh nên bú mẹ nhiều và duy trì chế độ bú mẹ dù có ăn thức ăn đặc. Trẻ bú sữa công thức có thể uống thêm nước giữa các lần bú, và nước phải là nước đun sôi để nguội đối với trẻ dưới 6 tháng.
Chế độ ăn giàu chất xơ:
Cho trẻ ăn nhiều loại thực phẩm, đặc biệt là trái cây và rau quả, để cung cấp đủ chất xơ giúp tiêu hóa tốt hơn như: chuối, táo, đu đủ, mồng tơi, rau lang, cà rốt, ngũ cốc yến mạch,…
Khuyến khích hoạt động thể chất:
Đảm bảo trẻ được vận động thường xuyên, giúp cải thiện chức năng tiêu hóa.
Tạo thói quen vệ sinh:
Khuyến khích trẻ ngồi bô hoặc bồn cầu sau bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ. Hãy khen ngợi dù trẻ có đi ị hay không, và tạo thói quen này từ sớm.
Đảm bảo tư thế đi vệ sinh tốt:
Đảm bảo chân của trẻ có thể chạm đất khi ngồi trên bô hoặc bồn cầu, giúp tư thế thoải mái khi đi vệ sinh.
Giải tỏa lo lắng:
Nếu trẻ cảm thấy lo lắng khi sử dụng bô hoặc bồn cầu, hãy bình tĩnh trấn an và không tạo áp lực, giúp trẻ cảm thấy đi vệ sinh là việc bình thường.Thực hiện chế độ ăn uống đủ nước và giàu chất xơ để giảm táo bón

Thực hiện biện pháp xoa bóp
Mỗi ngày, thực hiện các thao tác xoa bóp cho trẻ 2 lần để hỗ trợ hệ tiêu hóa:
- Xoa bụng: Dùng ba ngón tay xoa theo chiều kim đồng hồ khoảng 30-50 vòng.
- Xát xương cụt: Dùng hai ngón tay xát vùng xương cụt lên xuống khoảng 2-3 phút.
- Xoa lòng bàn tay: Dùng ngón cái xoa lòng bàn tay theo chiều ngược kim đồng hồ trong 2 phút.
- Miết bờ trong cẳng tay: Miết nhẹ từ khuỷu xuống cổ tay trong 2 phút.
Cách trị táo bón cho trẻ theo dân gian
Nếu các biện pháp trên chưa hiệu quả, có thể dùng một số bài thuốc dân gian giúp nhuận tràng:
- Bài 1: Khoai lang 60g, đường phèn 15g. Luộc khoai lang, hòa với đường phèn uống.
- Bài 2: Mật ong 20ml hòa với 30ml nước sôi uống nhiều lần trong ngày.
- Bài 3: Vừng đen 20g, mật ong 20ml. Nghiền vừng nấu thành cao lỏng rồi hòa mật ong nguyên chất ăn mỗi ngày.
- Bài 4: Rau sam 20g, rau dừa nước 40g, rau má 40g, rau rệu 20g. Sắc nước cho trẻ uống nhiều lần trong ngày.
Nếu các biện pháp trên không hiệu quả hay trẻ bị táo bón nặng và rặn mãi không ra, hãy đưa bé đến để được các bác sĩ, dược sĩ thăm khám và chữa trị.